Mỗi cơ thể là món quà kỳ diệu của tạo hóa, trong đó có màu da. Da dù trắng, ngâm hay tối màu đều có ưu và nhược điểm khác nhau.
Hiểu về màu da một cách kỹ càng sẽ giúp chúng ta có cái nhìn đúng về các phương pháp giúp cải thiện tone da an toàn và hài lòng với mức độ sáng da của mình.
Sự hình thành màu da
Màu da hợp thành từ 3 nhóm màu: carotenoid, tình trạng mang oxy của hemoglobin trong mạch máu và tỉ trọng của sắc tố (melanin) trong lớp sừng. Sự tăng giảm của các thành phần này sẽ tạo nên sự thay đổi màu sắc trên da, trong đó melanin giữ vai trò chính quyết định.
Một yếu tố quan trọng nữa là màu da khi chúng ta thấy còn là sự phản xạ tia sáng từ bề mặt da vào mắt. Do vậy, nguồn sáng và tình trạng bề mặt da cũng ảnh hưởng đến màu sắc da.
Mỗi chủng tộc sẽ có bộ gen quy định màu sắc da khác nhau, điều này được cho là do ảnh hưởng quá trình chọn lọc tự nhiên, dưới tác động của môi trường sinh sống qua hàng trăm nghìn năm. Các dân tộc sống gần xích đạo, làn da sẽ tối màu hơn vùng ôn đới (xứ lạnh).
Cơ chế thay đổi sắc tố da
Tế bào sắc tố (melanocyte) hiện diện ở tầng cuối của lớp biểu bì, có hình dạng tua gai (cũng giống bạch tuộc), giữ nhiệm vụ tổng hợp, tạo ra melanin, dưới tác động enzym quan trọng nhất là TYROSINASE.
Melanin sau khi tổng hợp sẽ KHÔNG phóng thích thẳng vào tế bào sừng (keratinocyte) mà sẽ được trữ lại trong túi chứa (gọi là melanosome). Thông thường, lượng nhất định các túi chứa này sẽ được vận chuyển trong các tua gai để đi đến lớp tề bào sừng, phóng thích melanin, tạo nên màu da riêng biệt cho mỗi người.
Khi có da tăng tiếp xúc với ánh nắng mặt trời mang các tia UV, sẽ kích thích tế bào sắc tố tăng tổng hợp melanin, đồng thời các túi chứa melanin cũng sẽ được tăng cường vận chuyển tề bào sừng. Ở đó, melanin được phóng thích và kết hợp với nhau tạo thành “nón” bảo vệ nhân DNA và các lớp tế bào da bên dưới khỏi UV.
Như vậy, melanin mặc dù làm da chúng ta “đen” sạm đi, nhưng lại có vai trò rất quan trọng trong việc hấp thụ bức xạ UV, bảo vệ da khỏi tổn thương cấu trúc, chức năng cũng như nguy cơ ung thư, khi tiếp xúc môi trường bên ngoài, đặc biệt ánh nắng mặt trời.
Rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh, nhờ tỉ trọng melanin cao, người có da tối màu thì nguy cơ ung thư và mức độ lão hóa sẽ thấp hơn nhiều so với người da trắng.
Bên cạnh tia UV, sự thay đổi nội tiết tố, chế độ dinh dưỡng và thói quen sinh hoạt cũng ảnh hưởng đến quá trình hình thành sắc tố trên da.